Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

DI TÍCH GIÁO DỤC XỨ ĐÔNG XƯA (TRẦN NHUẬN MINH)



Di tích của nền giáo dục xứ Đông xưa
  24/02/2012 09:31:09 AM

Nhà dạy học cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở làng Tông Xá, huyện Chí Linh là Trạng nguyên cổ đường, một trong Chí Linh bát cổ.




Nơi thờ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi hiện nay tại thôn Linh Khê (Thanh Quang, Nam Sách)
 được cho là Trạng nguyên cổ đường xưa
Nhà dạy học cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở làng Tông Xá, huyện Chí Linh, thời Trần, nay là làng Linh Khê, xã Thanh Quang (Nam Sách). Đây là Trạng nguyên cổ đường (nhà dạy học cũ của Trạng nguyên), một trong Chí Linh bát cổ.


Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay là làng Long Động, xã Nam Tân,  huyện Nam Sách, tên chữ là Tiết Phu, đỗ Trạng nguyên năm 1304, làm quan đến chức Tả bộc xạ, dưới triều vua Trần Anh Tông. Ông đã hai lần đi sứ Bắc, làm vẻ vang cho quốc gia Đại Việt, được vua nhà Nguyên rất khâm phục, phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Cuối đời, ông về mở trường dạy học tại làng Tông Xá, gần làng ông, cạnh đường cái quan của bản huyện.


Trong cuộc đời của Mạc Đĩnh Chi, nổi tiếng nhất vẫn là chuyện ông đối đáp trong một (hoặc cả hai) lần đi sứ Bắc, cực kỳ tài giỏi thông minh, đầy khí phách, được coi là biểu tượng kỳ tài của trí tuệ Việt. Ông cũng là vị quan nổi  tiếng thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước, vì sự trong sạch của triều đình. Tất cả những điều đó, cùng với hành trạng của ông, đều được ghi đầy đủ trong các truyện kể, các giai thoại văn học, in đi in lại nhiều lần, dường như không người Việt Nam nào không biết. Tất cả những chi tiết đó đều xuất phát từ một văn bản gốc, đó là truyện Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi của Trần Tiến, một nhà sử học và một nhà văn rất nổi tiếng ở thời Lê.


Theo ghi chép từ tháng 8 năm Bính Thân (1796) của Trần Trợ, thì tháng 3 năm Canh Dần (1770),  sau khi vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) cho phép bản huyện thờ ba vị “Thượng đẳng phúc thần” là Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Thái bảo Tham tụng thượng thư, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam Trần Cảnh, chính Trần Tiến đã “xem khắp địa hình của bản huyện, lập từ chỉ”  ở đây, nơi thờ ba vị phúc thần và các bậc tiên hiền đỗ đạt, “vì chùa Quất Lâm, Tông Xá là giảng đường cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi người Lũng Động” (sách Niên phả lục).Từ đó, có thể hiểu: Văn chỉ Linh Khê hiện nay là do Triều liệt đại phu, Phó đô Ngự sử Trần Tiến lập năm 1770 trên nền cũ của ngôi nhà mà Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi từng dạy học, bên cạnh chùa Quất Lâm. Trước đó, sau năm 1748, chưa rõ vào năm nào, ông đã bỏ tiền lương của mình sửa sang lại di tích này .


Những năm 1952 - 1953, tôi đã tản cư ở đây và thường có mặt trong khu di chỉ này, lúc đó chưa bị tàn phá. Bây giờ tôi cũng qua lại thăm nhiều lần. Ba vị thượng đẳng phúc thần đã được tạc tượng lại để thờ, ba bức tượng khá đẹp, tôn kính, nhưng rất tiếc được đặt trong gian nhà quá nhom nhem. Cạnh đó là nhà văn hoá thôn, trưng bày có phần còn lộn xộn. Quý nhất là tấm bia đá Chí Linh bát cổ còn hầu như nguyên vẹn, sau 23 năm nằm sâu dưới đáy ao (1968 - 1991). Bia là khối đá vuông liền khối, cao hơn 2 mét khắc bài thơ Chí Linh bát cổ của tác giả có tên hiệu là Thanh Hiên (mà có người nêu giả thuyết rằng có thể là sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du). Bài thơ làm năm 1795, khắc đá năm 1798, dựng bia năm 1800. Tấm bia đã được công nhận là di tích lịch sử và văn hoá cấp tỉnh.


Điều tôi quan tâm hơn cả vẫn là tổng thể của di tích lịch sử hiếm có, mang tầm quốc gia, là nhà dạy học cũ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở thời Trần. Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập, thì đây là một địa chỉ quý hiếm, có thể nói là linh thiêng, của nền giáo dục xứ Đông xưa, lại đặt ở huyện Nam Sách, một huyện được ghi nhận là có số tiến sĩ nho học nhiều nhất trong cả  nước.


Tôi rất mong tỉnh và huyện Nam Sách sửa sang, nâng cấp di tích này thành biểu tượng của sự khuyến học. Đây sẽ là nơi vinh danh các hiền tài, tập huấn và hội thảo khoa học giáo dục, trao thưởng cho các học sinh giỏi các cấp, nơi phát huy những giá trị về  văn hoá và đạo lý, từ ba vị danh nhân, nhất là từ Mạc Đĩnh Chi, và truyền thống của quê hương, của huyện, của tỉnh và của cả nước, để xây dựng những cốt cách và tầm vóc mới của con người Việt Nam ngày hôm nay, có  thể  “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn ngày nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


TRẦN NHUẬN MINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét