Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

LỄ HỘI ĐỀN THỜ LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MAC-ĐĨNH-CHI 03-3-2012 (10-02-NHÂM THÌN)


Lễ hội đền Mạc Đĩnh Chi
  03/03/2012 09:10:37 AM

Mạc Đĩnh Chi có tiếng là liêm khiết. Ông sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước...



Đền thờ Mạc Đĩnh Chi đang tiếp tục được trùng tu, tôn tạo
Mạc Đĩnh Chi (1280 - 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, Nam Sách. Ông đỗ trạng nguyên năm 1304, làm quan đến chức Tả bộc xạ dưới triều vua Trần Anh Tông. Ông đã 2 lần đi sứ phương Bắc. Với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn dân tộc và tài văn thơ, ứng đối mẫn tiệp, ông được vua Nguyên rất vị nể, thán phục và phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên.


Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua đời Trần: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Tuy làm quan nhưng Mạc Đĩnh Chi có tiếng là liêm khiết. Ông sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước.


Sau khi Mạc Đĩnh Chi qua đời, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại quê hương ông. Ngôi đền tọa lạc trên diện tích đất rộng trên 2.000 m2 ngay đầu làng thôn Long Động. Ngôi đền hiện còn thờ 2 vị đại khoa nữa đều là trạng nguyên họ Mạc thời vua Lý Nhân Tông là Mạc Hiển Tích (đỗ trạng nguyên năm 1086) và Mạc Kiến Quan (em ruột của Mạc Hiển Tích, đỗ trạng nguyên năm 1089). Trong những năm thực dân Pháp xâm lược, ngôi đền đã bị phá huỷ. Đến năm 1992, nhân dân địa phương phục dựng lại ngôi đền và hằng năm thường xuyên tu bổ. Ngôi đền được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995.  Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích và thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, ngày 31-12-2009, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo ngôi đền với tổng kinh phí 44 tỷ đồng. Dự án gồm 12 hạng mục và được chia làm 3 giai đoạn. Đến cuối năm 2011, hoàn thành giai đoạn 1, gồm đền chính, nhà tả vu, hữu vu. Đền chính gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung tế và 2 gian hậu cung. Các cột, xà đều được làm bằng gỗ lim, trạm trổ hoa văn tinh tế. 2 gian hậu cung đặt thờ 3 vị đại quan là: Mạc Hiển Tích (bên phải); Mạc Kiến Quan (bên trái) và Mạc Đĩnh Chi (ở giữa). 2 nhà tả vu và hữu vu là nơi tiếp khách và trưng bày tư liệu lịch sử vương triều nhà Mạc và thân thế sự nghiệp Mạc Đĩnh Chi. Cũng nằm trong quần thể di tích về phía đông là nhà tưởng niệm nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi (quê ở Long Động, xã Nam Tân), hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ở phía tây còn có giếng cổ trồng sen. Hiện lăng mộ của cụ Mạc Đĩnh Chi và thân phụ, thân mẫu của ông nằm ở thôn Long Động, cách quần thể di tích khoảng 1km về phía đông nam. Ngoài ra còn có điện Sùng Đức nằm về phía đông bắc của làng nhìn ra sông Kinh Thầy do vua Mạc Đăng Dung (cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi) xây trên nền nhà cũ của Mạc Đĩnh Chi nhằm thể hiện lòng tri ân với các bậc tiên hiền có công với nước.


Mặc dù ngôi đền vẫn đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo, nhưng với tấm  lòng tri ân, tưởng nhớ ngày mất của Mạc Đĩnh Chi, lượng khách thập phương về dự lễ hội và lễ dâng hương khá đông. Ông Bùi Hữu Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách thập phương về dự lễ hội, xã Nam Tân đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của lễ hội. Chỉ đạo Ban Công an và Ban Chỉ huy quân sự  xã phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực diễn ra lễ hội; bố trí khu vực để xe của khách và cắt cử người trông giữ xe. Thôn Long Động phối hợp với đội thu gom rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường trong suốt thời gian lễ hội. Nội dung tổ chức lễ hội được đổi mới, tăng phần hội với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi dân gian lành mạnh, mang tính giáo dục cao.

QUỐC ĐÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét