Tràng An - Bái Đính
Đến Tràng An vào Chủ Nhật mùa lễ hội, chắc hẳn không ít người cảm thấy sung sướng vì vẫn còn được sống sót trở về, như tôi.
Tôi
đặt bước chân đầu tiên trên đất Tràng An với thật nhiều cảm xúc lãng
mạn, yên bình của miền mênh mang sông nước núi non. Bỗng giật thót vì
tiếng gào thét của một bác trong ban quản lý lễ hội. Một tay bác cầm
loa, một tay bác chém không khí, và luôn miệng quát tháo khách du lịch.
Vé
được bán thoải mái nhưng đoạn hành lang đến bến đò thì như một nút cổ
chai. Chúng tôi 6 người xếp một hàng, bám áo nhau để khỏi lạc trong đám
đông ấy. Vừa nhập vào hàng tôi đã bị đẩy đi, cứ bị đẩy lên hai bước lại
bị đẩy xuống một bước. Trẻ con khóc thét vì sợ hãi, những cô trung tuổi
khóc vì không thở được, còn những người mẹ thì khóc vì lo cho con. Nếu
tôi nhớ không nhầm có 7 cây cột cần phải vượt qua, và chúng tôi vừa cố
chống tay để thở vừa đếm từng cây cột mình vừa bị đẩy qua.
Tôi
nhớ đến thảm họa trong đêm hội nước ở Campuchia, rồi nghĩ dại: Giờ mà
có ai hô câu gì thì chắc sẽ có nhiều người chết. Tôi sợ hãi và cô đơn
kinh khủng, ân hận vì không rủ anh cùng đi. Bạn tôi bị ép vào hàng rào
sắt thét lên, may mà chồng chị kịp vòng tay giữ chị trong lòng. Phía
ngoài, ban tổ chức đang vội vã hàn thêm những hàng rào sắt mới để chia
đường thành nhiều lối chống tắc nghẽn. Họ vội là phải, sắp hết mùa lễ
hội rồi còn gì.
Chỉ
lác đác vài con đò vào bến đợi, càng làm khách du lịch nóng lòng hơn. Có
cô bước vội quá rơi tõm xuống nước. May có mớ tóc dài nổi trên mặt
nước, cô đứng cạnh túm vội lôi bạn lên. Những người đàn ông đang bận chờ
đò, chẳng ai hơi đâu mà lo cho người lạ.
Một
lát có con đò tiến vào gần, ai cũng giơ tay vẫy gọi. Tôi hét lên: "Chị
ơi em có 6 người". Thế là chúng tôi được xuống. May quá lúc nãy mấy chị
em rủ nhau bám đuôi để đi cùng một đò. Hỗn loạn thế này tìm đủ 6 người
cùng đoàn để được ưu tiên xuống đò khó lắm.
Bỏ
xa đám đông, một Tràng An thanh bình ve vuốt hồn tôi. Tôi thấy rất lạ
lùng là tại sao những núi đá kia cứ sừng sững được bao năm nay. Nếu đó
là những người đàn ông, chắc hẳn phải mềm nhũn ra bởi những ấp ôm của
sóng nước trong mát. Tôi lùa nhẹ ngón tay xuống nước, thấy lòng tôi dịu
dàng hơn bao nhiêu. Tôi nhắm mắt cho gió mơn man, thấy mình đang được
yêu thương chiều chuộng.
Lại
giật thót vì tiếng một anh Ban quản lý, Anh ấy giỏi thật, chèo đò bằng
hai chân. Anh ưỡn mình, dạng hai chân khua khua trước mặt, một tay anh
cầm loa, một tay anh chém, miệng anh hét vào những người chèo đò không
chịu đi đúng đường. Có người chưa chịu lái đò theo ý anh, anh xông tới
giật thẻ của người đó rồi lại ưỡn người dạng chân khua tiếp. Chị lái đò bảo mỗi lần thu thẻ là phạt 100 ngàn, coi như chở một chuyến không công.
Mỗi chuyến đò 6 người ban quản lý thu được 600k, trả cho lái đò 100k. Ồ,
một ngày ban quản lý thu rất nhiều tiền, chỉ cần nhân nhanh với 400 đò,
mà những ngày đông thế này chị ấy bảo chở được hai chuyến. Nhưng người
lái đò thì vất vả lắm, mỗi chuyến đi hết các động phải mất khoảng 5
tiếng.
Chị ấy bảo: "Bên trong tắc động, vào đấy 6 tiếng mới ra được, hay chỉ đi động chính rồi ra thôi".
Chúng tôi hơi hoang mang, các đò cạnh gọi nhau bảo đi mỗi động chính rồi
ra, vào tắc động tối mới ra được. Nhưng tôi thấy nhiều đò từ phía trong
đi ra đều đều, tôi bắt đầu nghi ngờ điều chị nói. Tôi cười cười bảo: "Em chen tí
chết mới vào được đây, phải đi hết em mới ra. Chị cho đi nhanh em ra nhanh,
đi chậm em ra chậm". Đò của anh Khoa phía sau cũng theo đò tôi đi vào.
Đò
chúng tôi đi vào gặp đò sếp tôi đi ra, chắc là sếp cũng bị lái đò lừa
rồi (hiii). Khoảng một tiếng sau, khi chúng tôi qua động thứ tư, thì mọi
người gọi điện bảo ra nhanh mọi người đang chờ, còn 3 đò chưa ra thôi.
Vậy là hơn 2/3 đoàn của tôi bị lừa lên bờ ngồi. Lái đò muốn trả khách
nhanh mới đón được hai chuyến trong ngày.
Đò san
sát nhau nên dù di chuyển rất chậm vẫn đụng nhau lục khục. Mỗi lần như
thế, các anh các chị lái đò mắng nhau, chửi nhau. Mà toàn các chị bắt
nạt các anh thôi. Có lẽ chèo đò vất vả quá nên các anh chị dễ bực mình.
Có lúc bực quá văng cả những thứ mà phụ nữ thường phải giấu kỹ nhất, chỉ
có mấy cô người mẫu mới dám khoe ra nhưng là vì những mục đích cao cả
như: Bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ biển hay thậm chí là bảo vệ
động vật hoang dã.
Gần
giờ trưa, nắng bắt đầu gắt gỏng như các chị lái đò. Thật may, sau mỗi
đoạn nắng gắt con đò lại chui vào động, mát lạnh và huyền bí, chỉ có
những vách đá và tiếng mái chèo khua nước khe khẽ.
Qua động thứ 6, thứ 7 gì đó thì tôi thực sự muốn
nhanh chóng lên bờ. Phần vì mọi người trên bờ giục quá, phần vì chán
cảnh cãi vã của các chị lái đò. Chị bảo chị chèo mệt lắm bồi dưỡng cho
chị. Tôi có ý đó từ lúc vào nhưng định cuối hành trình mới đưa. Đoạn
đường ra còn khoảng một tiếng, giờ chị không chuyện trò nữa mà gắt gỏng
với chúng tôi. Ngồi lệch thuyền hay đung đưa người là chị mắng. Đã thế
con Nhung thỉnh thoảng lại khùa tay xuống nước. Chị bảo: "Đã không bồi
dưỡng lại còn cản". Chúng tôi nhìn nhau. Mấy đứa trẻ bực bội, còn người
lớn như tôi thì im lặng. Cũng vì chị vất vả quá mà thế!
Trước lúc lên xe, chúng tôi bắt tay nhau không bao giờ quay lại Tràng An nữa.
Trẻ con thế thôi! Chứ trong chúng tôi hẳn nhiều người còn lưu lại những xúc cảm tuyệt vời về một miền non nước mênh mang. Riêng tôi, không bao giờ quên những cảm giác ấy. Bỏ qua tất cả những bon chen, đời thực một phần do hoàn cảnh mà nên, Tràng An thật tuyệt vời với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.
Trẻ con thế thôi! Chứ trong chúng tôi hẳn nhiều người còn lưu lại những xúc cảm tuyệt vời về một miền non nước mênh mang. Riêng tôi, không bao giờ quên những cảm giác ấy. Bỏ qua tất cả những bon chen, đời thực một phần do hoàn cảnh mà nên, Tràng An thật tuyệt vời với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.
Sau
bữa trưa sặc mùi khói xăng ô tô và bụi đường ở nhà hàng có tên Tràng An,
chúng tôi lên xe đến chùa Bái Đính. Mệt mỏi và chán chường nhanh chóng
tan biến. Từ những bước đầu tiên trên con đường lên chùa, tôi thấy thanh
thản và khỏe khoắn hẳn lên.
Đứng từ trên cao nhìn xuống quần thể chùa Bái Đính, tôi nhớ đến Vịnh Hạ Long.
Tôi
đi Bái Đính vài lần rồi, đều đi xuống và ra ngoài bằng cổng chính. Lần
này tôi cũng đi như vậy, ai ngờ xuống đến nơi mới biết cổng đóng, phải
leo ngược dốc lên gần đỉnh rồi lại đi xuống theo đường ra bến xe. 5h
chiều rồi, đói, mệt, mỏi, đau chân nữa. Đi mãi đi mãi mới nhìn thấy bến
xe, mặt tôi đỏ phừng phừng, chân đen xì bụi đất. Lúc ấy trông tôi chắc buồn cười lắm!
Có lẽ cần cân nhắc hơn mỗi khi đi lễ hội, nhưng tôi chưa đủ quyền để quyết định một chuyến đi cho tập thể.
Tôi muốn về nhà thật nhanh. Chuyến đi này tôi gặp hai kiếp nạn, cả hai đều ở trên cạn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét