Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012


Sự ra đời của thơ Đường
19-03-2010
 Hương Thu  - chân dung Tác giả bài viết
hinh_huong_thu.bmp  Hương Thu hiện đang làm việc và cư trú tại TP Hồ Chí Minh và là PCN CLB UNESCO thơ Đường VN, chị có bài viết mang nội dung nghiên cứu về thơ Đường, xin trân trọng giới thiệu
HOÀN CẢNH  VÀ NGUỒN GỐC

Sự ra đời của thơ Đường 

Ở TRUNG QUỐC

    Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ mốc lịch sử Trung Quốc của năm 581, khi ấy là triều đại cuối cùng của Bắc Triều đã bị Dương Kiên chiêu tập lực lượng đứng lên lật đổ, tự xưng hòang đế, lấy hiệu là Tùy Văn Đế, đóng đô ở Trường An, lập ra nhà Tùy. Tiếp theo, để thống nhất nước Trung Hoa, Tùy Văn Đế tiếp tục tiêu diệt nhà Trần ở Nam Triều. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó ông bị con trai giết chết để đoạt ngôi. Dương Quảng, con trai thứ hai của Tùy Văn Đế sau khi giết cha, tự lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Tùy Dưỡng Đế. Là một tên vua hoang dâm vô đạo bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Để chống lại sự tàn ác của nhà Tùy, dân chúng khắp nơi nổi lên với nhiều cuộc khởi nghĩa.
Năm 617 Lý Uyên, một võ tướng của triều đình đã ngấm ngầm chiêu tập lực lượng, đến thời cơ đã ép Tùy Dưỡng Đế nhường ngôi cho con. Sau đó một năm, Lý Uyên phế bỏ luôn nhà Tùy, tự xưng hoàng đế, lập ra nhà Đường. Đó là năm 618 và nhà Đường đã tồn tại gần 300 năm với biết bao cuộc bể dâu của thời cuộc từ sơ Đường đến Thịnh Đường và cuối cùng là thời kỳ vãn Đường để rồi sau đó Tiết độ sứ Chu Tòan Trung đã lật đổ triều đình, tự xưng hoàng đế, chấm dứt nhà Đường mở ra một thời kỳ hết sức hổn lọan trong lịch sử Trung Quốc  gọi là “ Ngũ Đại – Thập quốc” ( 907 – 960 ).
Đời Đường qui tụ được nhiều vị vua thông minh, hiếu học và đặc biệt yêu chuộng thơ ca, đó là nguyên nhân thúc đầy nền văn học trong đời Đường phát triển mạnh mẽ. Thơ là thể loại được chú trọng nhất trong nền văn học Trung Quốc thời nhà Đường.
Thật ra, thơ Đường có những mối liên quan khá chặt chẽ với các thể loại văn học khác trong thời nhà Đường mà nhiều nhà nghiên cứu văn học ít để ý đến nhất là văn xuôi và từ.
Thế thì, chúng ta thử làm một cuộc khám phá đối với sự ra đời và thành công của các thể lọai văn học khác trong thời nhà Đường vậy.
Trước hết là văn xuôi. Có lẽ phải kể đến hai nhân vật chính đó là Hàn Dũ ( 768 – 824 )  và Liễu Tôn Nguyên ( 773 – 819 ). Hàn Dũ theo quan điểm Nho giáo, tuy nhiên ông cũng quan niệm rằng phải cải cách văn thể cho phù hợp với thời đại đang sống. Ông đề cao văn xuôi Tiên Tần – Lưỡng Hán, nhưng lại cổ súy “Vứt bỏ những lời cũ kỹ” phản đối “ bắt chước” .
Liễu Tôn Nguyên mặc dù về mặt cải cách ông không tác động được đối với phong trào như Hàn Dũ, nhưng về thành tích sáng tác lại vượt hơn. Ông biết khai thác để phát huy truyện ngụ ngôn thời Tiên Tần, để cải biên thành một thể lọai văn học độc lập có giá trị phê phán cao, đưa ra được nhiều chân lý cho cuộc sống.
Nhìn chung chính hai nhân vật này không những đã làm thay đổi bộ mặt văn xuôi Trung Quốc thời nhà Đường mà còn tạo được một sự kế thừa cho bước phát triển toàn diện hơn cho dòng văn xuôi đời Tống.
Một thể lọai khác, đó là Tiểu thuyết truyền kỳ, cũng có những bước phát triển và cải cách khá kể.
Biến văn, là một thể lọai văn học dân gian với những bước thay đổi khá đặt biệt. Đầu tiên nó chỉ đơn thuần là một lọai truyện tôn giáo không hơn không kém. Dần dần, Biến văn được cải cách, mở rộng đề tài, xâm nhập vào đời sống hàng ngày của dân gian với những câu chuyện dựa theo truyền thuyết lịch sử, chuyện dân gian như: chuyện nàng Mạnh Khương, chuyện Ngũ Tử Tư, chuyện Vương Chiêu Quân vv…
Từ, một thể loại như thơ , được kết hợp một cách chặt chẽ với âm nhạc, đã được xuất hiện giữa đời Đường. Khi mới hình thành, giữa từ và thơ chưa có ranh giới phân biệt  rõ rệt mãi đến khi đời Đường sắp cáo chung, khi ấy từ mới có vị trí là một thể loại độc lập.
Cùng với sự cải cách của các thể lọai văn học khác trong thời nhà Đường, Thi được đặc biệt chú trọng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính có lẽ do sự quan tâm đặc biệt của các vị vua thời nhà Đường đối với thơ.
Thời nhà Đường, trước khi thơ Đường ra đời, các thi sĩ thường sáng tác theo 2 thể chính: nhạc phủ ca hành, và cổ phong. Thơ cổ phong không hạn định về số câu, số chữ, không bị câu thúc bỡi luật lệ khắt khe niêm luật  vv…
Các thi sĩ đời Đường qua trải nghiệm sáng tác, và sự sáng tạo cần phải có đã cho ra đời một thể thơ được lấy từ nền thơ cổ phong, với sự hòan chỉnh về cấu trúc, âm điệu, tiết tấu vv… và như thế THƠ ĐƯỜNG  được chính thức ra đời. Các nhà thơ bắt đầu thấy thú vị với luật thi, vì khi sáng tác theo lối này, bài thơ đọc lên sẽ có âm điệu nhịp nhàng, cấu trúc hài hòa, chữ nghĩa tinh lọc. Thời ấy, ở Trung Quốc những người làm thơ cũng chưa chia thơ Đường theo bố cục: đề thực luận kết hay khai thừa chuyển hợp, hoặc giả Khởi kết, khởi phục, hô ứng, nhất khí … mặc dù trong thực tế có những bài thơ tự nhiên có được bố cục như thế. Kim Thánh Thán khi phân tích những bài thơ Đường luật cũng chỉ chia làm hai phần: “ Thượng bán tiệt ” và “ hạ bán tiệt ”mà thôi.
Ngôn ngữ thơ Đường ngay từ hồi mới khai sanh thể thơ này, đã là một thứ ngôn ngữ có chọn lọc, bỡi chỉ chừng ấy câu, chừng ấy chữ, tác giả phải chuyển tải cho được những nội dung mình cần truyền đạt đến người đọc. chúng ta thử làm một thử nghiệm, so sánh những tác phẩm của cùng một tác giả thời nhà Đường khi họ viết theo các thể khác với thơ Đường do chính họ sáng tác sẽ thấy ngôn ngữ thơ Đường được các tác giả chọn lọc và cân nhắc khi sáng tác. Với bài ngũ ngôn tuyệt cú chỉ có 20 chữ, được so sánh như 20 vì sao sáng, tinh túy và cô đọng, nhưng phải lấp lánh hào quang như những vì sao. Với bài Ngũ ngôn bát cú, Lưu Chiêu Võ đã ví 40 chữ của bài thơ như 40 ông hiền. Và với 56 chữ của bài thất ngôn bát cú, được xem như 56 viên ngọc quí. Chữ nghĩa trong thơ Đường phải cân nhác, chọn lọc chính vì lẽ đó. Thế mà ngày nay đáng tiếc thay, có người lại tiêu xài một cách hoang phí những viên ngọc ấy!
Những người làm thơ Đường thường không bao giờ nói tuồn tuột hết những điều mình muốn nói như một với một là hai, các nhà thơ thường chỉ đưa ra những sự kiện, rồi để cho người đọc tự phán đóan, tự khám phá ra cái ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong các câu chữ của bài thơ. Người làm thơ Đường thường “ vẽ mây nẩy trăng ”, “ ý tại ngôn ngọai ”, hay “ lời hết mà ý không hết” vv… Có lẽ cũng vì thế vô hình chung đối tượng của thơ Đường cũng được chọn lọc, và không phải tự nhiên mà người ta nói thơ Đường là một thể thơ “ bác học ”, vừa nghiêm túc, vừa sang trọng.
Với một hòan cảnh và quá trình ra đời như thế, thơ Đường trải qua bao dâu bể thăng trầm vẫn giữ được phong thái như xưa, đó chẳng phải là do giá trị đích thực không thể nào phai nhạt với thời gian đó ư?
                                                                                                                          
Tác giả Hương Thu .TP HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét