Thứ tư, ngày 15 tháng hai năm 2012
Lại bàn về thơ hay
Theo
tôi bàn về thơ hay thì trước hết không nên đưa ra hàng loạt những yêu
cầu rối rắm của các cụ đồ xưa đã phát triển thơ Đường Luật theo khuynh
hướng hình thức chủ nghĩa. Chính khuynh hướng này đã biến quá trình sáng
tạo thơ ca từ chỗ là sản phẩm của những khám phá trí tuệ, của cảm hứng
tự do trở thành thứ trò chơi trí uẩn ngôn từ chuyên nắn vần vót chữ cốt
sao cho vừa với những khuôn hình có sẵn. Làm thơ như thế thì chả khác
gì việc đóng oản, hay đúc nồi gang…vậy. Khác chăng là đóng oản thì dùng
xôi nếp làm nguyên liệu, đúc nồi gang thì dùng gang nóng chảy làm nguyên
liệu, còn làm thơ thì dùng xác chữ làm nguyên liệu vậy. Không ít những
bài thơ Đường Luật rất đúng niêm, đúng luật mà vẫn không đọc nổi. Ngược
lại có những bài thơ thất niêm, thất luật rõ ràng mà vẫn là những bài
thơ hay, thậm chí còn xứng đáng xếp vào hàng toàn bích nữa. Hoàng Hạc
lâu của Thôi Hiệu bên Trung Quốc, Đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương bên ta
chẳng hạn.
Cho
nên bàn về thơ hay lại phải bàn ở khía cạnh hiệu quả của nó đến với
người đọc. Nói như Tố Hữu : “Cuối cùng văn học chỉ có một chữ hay. Thơ
hay làm người ta quên thơ đi mà chỉ còn cảm thấy có tình người. Bởi vậy
tất cả những chuyện khoe chữ đều là phù phiếm nếu không còn cảm thấy có
tình người". Riêng tôi khi đọc thơ nếu thấy bài thơ nào dễ đi vào lòng
người, làm cho trái tim ta rung động, hoặc đầu óc ta lóe sáng, khiến ta
có thể khóc, có thể cười, ta buồn , ta vui…Nhưng dù cười, khóc, buồn,
vui…nó cũng đều làm ta sung sướng. Ta bỗng muốn giữ nó lại, muốn thuộc
lòng nó. Và khi đã thuộc ta lại thích đem khoe với mọi người. Sau mỗi
lần như thế ta lại thêm một lần sung sướng. Gặp những bài thơ như thế
tôi gọi nó là thơ hay.
Nhưng
thơ hay cũng có lắm mầu nhiều vẻ. Có thơ hay cho một nhóm ít người, một
thế hệ người. Cũng có thơ hay cho cả mọi người, cho nhiều thế hệ. Đó
thường là những bài thơ đã đạt đến trình độ hoàn hảo cả về nội dung và
nghệ thuật. Như vậy thì thơ hay cũng có khá nhiều cấp độ, nghĩa là cũng
rất vô cùng. Nhưng ta hãy thử đi tìm cái tối thiểu. Từ thực tế những bài
thơ tạm gọi là hay tôi thấy nó nổi bật nên mấy nét sau đây:
Trước hết một bài thơ hay thường thấy có một hình tượng trung tâm nổi bật và ẩn chứa trong hình tượng ấy có thể là một hay nhiều tầng ý nghĩa. Ví dụ:
Chẳng phải thông, chẳng phải tùng
Chẳng đào chẳng lý ấy là sung
Quả sai mặc sức đàn chim rỉa
Rễ chặt tha hồ trận gió rung
Thân lớn dẫu rằng không hữu dụng
Lá mềm đâu hẳn đã vô công
Bên bờ bệ vệ oai kiều mộc
Cỏ nội hoa hèn dễ sánh chung
(Vịnh cây sung)
Tôi
tin rằng dù không đề tên cho bài thơ này thì người đọc vẫn có thể gọi
được đúng tên của bài thơ. Hình tượng trung tâm của nó quá nổi bật: đó
là hình tượng cây sung. Mặc dù bài thơ có nhắc đến khá nhiều các cây
khác như thông, tùng, đào, lý nhưng chỉ riêng có cây sung là được miêu
tả rất trọn vẹn: giới thiệu tên cây “ấy là sung”; tả bình chi tiết từng
bộ phận quả, rễ, thân, lá. Cuối cùng mới tổng hợp lại “bên bờ bệ vệ oai
kiều mộc…”. Từ hình ảnh cây sung này ta có thể liên tưởng đến một loại
người nào đó trong xã hội tuy không thuộc dòng dõi cao sang nhưng cũng
đâu có kém cạnh gì. Đó có thể là những người quân tử trong đời thường,
cũng có thể là biểu tượng của nhân dân: những người dân thường “ Khi làm cây mác cây chông / Khi là biển cả, khi không là gì “ (Nguyễn Long).
Ở những bài thơ hay cũng thường thấy có một trật tự sắp xếp các ý tự nhiên hợp lý. Chẳng hạn như bài thơ vui sau đây:
Cười chi cười mãi thế ông
Từ ngày để chỏm đã trông thấy cười
Đến nay ta đã già rồi
Cớ sao ông vẫn còn cười như xưa ?
Chẳng hay cười tự bao giờ
Mà chưa thỏa mãn nên chưa thôi cười
Hay là còn thấy trong đời
Có người sống chẳng ra người phải không
Chân tình ta hỏi thật ông
Sao ông không nói chỉ trông ta cười ?
(Phỗng cười-Phạm Công Trợ)
Cuộc
trò chuyện giữa tác giả và ông phỗng cười thực chất chỉ là một cuộc trò
chuyện đơn phương. Vì thế mà bài thơ toàn có những câu hỏi không có câu
trả lời. Nhưng hệ thống câu hỏi ấy vẫn có trật tự. Đó Là trật tự của sự
ngẫm nghĩ: thắc mắc-phỏng đoán rồi lại thắc mắc…Nhưng cái thú vị của
bài thơ là ở chỗ bằng hệ thống câu hỏi ấy tác giả đã cùng một lúc làm
được hai việc: miêu tả rất hóm, rất sinh động cái nụ cười hóa thạch của
ông phỗng, lại vừa thổi vào cái nụ cười ấy một ý nghĩa phê phán xã hội,
phê phán con người. Cái đặc biệt giá trị của bài thơ là ở chỗ nó khẳng
định vai trò của tiếng cười phê phán trong đời sống xã hội: chừng nào
còn thói hư tật xấu của con người thì chừng đó tiếng cười phê phán vẫn
phải hiện hữu.
Về
mặt hình thức đôi khi trong thơ ta còn thấy có những hiện tượng nghịch
lý phi logic và hiện tượng này lại thường bắt gặp trong những câu thơ
đặc biệt hay:
-Một mình làm cả cuộc phân ly
(Nguyễn Bính)
-Lênh đênh muôn dặm nước non
Dạt vào ao cạn vẫn còn lênh đênh
(Phùng Cung)
Nhưng
yếu tố phi logic ở đây đã đẩy ý thơ đến chỗ vượt khung làm ngỡ ngàng
người đọc. Những phi logic lại thành siêu logic. Ngược lại những yếu tố
phi logic nào chỉ làm rối câu thơ và lu mờ ý thơ mới thật sự là phi
logic.
Đọc và suy nghĩ về bài thơ dưới đây ta lại thấy thơ hay thường có văn bản chặt chẽ và khá kiệm lời:
Khi cây lúa tròn lưng
Mẹ gọi thì con gái
Lúa đứng búi
Mẹ gọi thì nghén đòng
Lúa làm bông
Mẹ gọi thì ngậm sữa
Tên cây lúa mẹ đặt sao khéo thế
Gọi lúa thôi mà như thể gọi người
Nhưng có một đoạn đời
Cây lúa còng dáng lưng của mẹ
Mẹ không lấy đời mình đặt thành tên gọi
Chỉ lặng lẽ chiêm mùa cầy cấy nuôi con.
(Tên và lúa)
Bài
thơ viết rất chặt chẽ. Không thấy có một câu chữ nào không gánh vác một
phần nhiệm vụ biểu hiện hình tượng trung tâm của bài thơ là hình tượng
người mẹ. Càng về cuối hình tượng người mẹ qua tên cây lúa càng được
biểu hiện đẹp đẽ và cảm động. Bài thơ kiệm lời mà hiệu quả. Đó là cách
nói của thơ: có chiều sâu, có độ nén và tiềm ẩn nhiều sức gợi.
Một
bài thơ hay có thể chưa hẳn đã là một bài thơ toàn bích. Người đọc có
thể vẫn chấp nhận những điểm còn non yếu. Nhưng chí ít nó phải có một
khám phá gì đó, một sáng tạo gì đó dù nhỏ thôi, nhưng cũng phải hơn
người hoặc khác biệt với người. Mấy ý kiến trên đây chắc chắn là chưa
thể đầy đủ. Rất mong được sự góp bàn của mọi người. Xin cám ơn.
16/2/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét